Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông liên tục bị tập kích bằng tên lửa,ýdoMỹkhôngđáptrảcứngrắncáclựclượngthâdan tri thiết bị bay không người lái (UAV) từ sau cuộc tấn công hiệp đồng của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10.
Nhóm vũ trang có tên Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra phần lớn các vụ tấn công. Theo Viện Chính sách Cận Đông Washington, đây là tên gọi chung của các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq, nhận lệnh trực tiếp từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Mỹ cũng cáo buộc các vụ tấn công do lực lượng thân Iran gây ra. Đây được cho là động thái của Tehran nhằm gây sức ép với Washington, trong bối cảnh nước này đang hỗ trợ Israel đối phó với Hamas, đồng minh của Iran.
Việc căn cứ của Mỹ ở Trung Đông bị các nhóm do Iran hậu thuẫn tập kích không phải là hiện tượng mới, mà đã diễn ra nhiều thập kỷ qua. Theo số liệu của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), các lực lượng thân Iran đã tiến hành tổng cộng 83 vụ tấn công như vậy trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2023.
Tuy nhiên, tần suất các vụ tấn công gia tăng mạnh thời gian gần đây. Lầu Năm Góc ngày 11/11 cho biết đã có ít nhất 48 vụ tập kích như vậy xảy ra từ hôm 17/10, khiến ít nhất 56 binh sĩ Mỹ bị thương, khoảng một nửa bị chấn động não.
Washington tới nay xác nhận đã tiến hành ba vụ tấn công trả đũa, gần nhất là không kích cơ sở hạ tầng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và dân quân thân Tehran ở miền đông Syria. Phản ứng hạn chế của nước này khiến một số người bất ngờ, nhất là khi vụ tấn công trả đũa đầu tiên hôm 26/10 không làm giảm các vụ tập kích nhằm vào căn cứ Mỹ.
"Trong hoàn cảnh bình thường, nếu các nhóm dân quân này ném một que diêm nhỏ về phía chúng ta, họ sẽ phải nhận lại gấp đôi, vì chúng ta không muốn bất cứ người Mỹ nào bị hại cả", Michael Knights, chuyên gia tại Viện chính sách Cận Đông Washington, nhận xét.
Trong buổi họp báo ngày 7/11, khi được hỏi liệu các phương án đáp trả của Mỹ có hiệu quả hay không, phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết Mỹ không bắt buộc phải có hành động "ăn miếng trả miếng" mỗi khi bị tấn công, nhấn mạnh rằng nước này tự quyết định "thời gian, địa điểm" phù hợp để trả đũa đối phương một cách hiệu quả nhất.
Quan chức này cũng cho biết các vụ tập kích không gây ra thiệt hại lớn đối với lực lượng Mỹ, dù có nhiều người đã bị thương. "Tuy số lượng các vụ tấn công gia tăng, chúng tôi không ghi nhận thương vong hay tổn hại đáng kể nào với lực lượng của mình", bà nói.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 6/11 khẳng định các vụ tập kích của nhóm phiến quân nhằm vào căn cứ Mỹ ở Trung Đông đều "không hiệu quả", phần lớn bị phòng không nước này đánh chặn.
Giới chuyên gia nhận định Mỹ kiềm chế đáp trả các nhóm dân quân thân Iran nhằm ngăn cuộc xung đột Israel - Hamas lan rộng ra khu vực, kéo theo sự tham gia trực tiếp của Tehran. "Lò lửa" Trung Đông thời gian qua vốn chực chờ bùng nổ khi các lực lượng do Iran hậu thuẫn không chỉ tấn công căn cứ Mỹ, mà còn thường xuyên triển khai tên lửa, UAV tập kích lãnh thổ Israel.
Nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon thường xuyên đọ súng qua biên giới với quân đội Israel. Nhóm Houthi ở Yemen cũng phóng tên lửa và UAV vào miền nam Israel.
"Trong bối cảnh hiện nay, đòn đáp trả quyết liệt có thể làm bùng phát một cuộc chiến giữa Iran, Hezbollah và Israel", ông nhận định.
Theo chuyên gia này, Washington có thể đã nhận định rằng mục đích chính của các nhóm dân quân thân Iran không phải là gây thiệt hại lớn cho lực lượng Mỹ, do đó chính quyền ông Biden quyết định chỉ đáp trả một cách hạn chế.
Jonathan Lord, giám đốc chương trình An ninh Trung đông tại tổ chức tư vấn Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cũng cho rằng các đòn tấn công mang mục đích chính trị nhiều hơn. Theo ông, thông qua việc tập kích vào lực lượng Mỹ, các lực lượng thân Tehran muốn lôi kéo Washington vào các cuộc xung đột nhỏ lẻ, không thể tập trung vào các mục tiêu chiến lược ở khu vực như tiêu diệt tận gốc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay kiềm chế xung đột ở Dải Gaza.
"Các nhà hoạch định Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa việc phản ứng như thế nào để chứng minh năng lực bảo vệ công dân của mình, đồng thời vẫn có thể tiếp tục hướng tới các mục tiêu chiến lược, bao gồm việc tiêu diệt tận gốc IS", Lord nêu quan điểm. "Mỹ cũng không muốn leo thang xung đột với các lực lượng ủy nhiệm của Iran, hay khiến chiến sự ở Dải Gaza lan rộng".
Theo ông, các nhóm dân quân thân Tehran còn muốn dùng việc tấn công căn cứ Mỹ để nâng cao tiếng nói trước các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, cũng như làm rối loạn hoạt động của Mỹ tại Iraq và Syria, nơi Washington có tổng cộng hơn 3.500 lính đồn trú để làm nhiệm vụ dọn dẹp tàn dư IS. "Mỹ hiện vẫn chưa mắc bẫy", Lord nhấn mạnh.
Dù vậy, chính quyền ông Biden vẫn không loại trừ khả năng có hành động đáp trả cứng rắn hơn, trong trường hợp các đòn tấn công gây ra thiệt hại lớn cho lực lượng Mỹ.
"Ưu tiên cao nhất của Tổng thống là bảo đảm an toàn cho binh sĩ Mỹ. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện thêm những biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân lực và cơ sở hạ tầng", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 8/11 khẳng định.
"Các nhà hoạch định Mỹ đang cố gắng giữ một cái đầu lạnh để có thể tập trung hướng tới các mục tiêu lớn, là ngăn cuộc xung đột lan rộng", Lord cho biết. "Điều đó có thể sẽ giúp nhiều người không phải bỏ mạng sau này".
Phạm Giang (Theo Business Insider)